Những đặc trưng của âm nhạc dân gian trong các tác phẩm cổ điển

Những đặc trưng của âm nhạc dân gian trong các tác phẩm cổ điển

Trong phần này chúng tôi muốn giới thiệu một đại diện tiêu biểu đó là Bartok.

B. Bartok (1881-1945) sinh ra ở Hungary. Chính mẹ ông đã dạy ông những bài học đầu tiên trên đàn piano vào năm lên 6 tuổi. Từ năm 1899 đến 1903, Bartok học ở Viện hàn lâm âm nhạc Budapest. Ông là người rất yêu thích âm nhạc của Bach, Beethoven, Liszt và có một niềm say mê âm nhạc dân gian Hungary. Khởi đầu Bartok viết theo phong cách lãng mạn muộn, sau đó là phong cách ấn tượng và cuối cùng ông đã đến với âm nhạc dân gian đích thực của nước ông và các nước láng giềng. Vào những năm 1940, do chế độ quốc xã ở Hungary, Bartok đã sang Mỹ sống. Tại đây ông đã viết rất nhiều tác phẩm mang hơi thở âm nhạc dân gian quê hương ông như Concerto cho dàn nhạc, Sonate cho violon độc tấu, Concerto số 3 cho piano…Ông đã mất ở New York vào năm 1945.

https://www.youtube.com/watch?v=qB5p_tEpre4

Như chúng ta đã biết, từ thế kỷ XVI âm nhạc bác học và âm nhạc dân gian đã cùng tồn tại nhưng không chịu ảnh hưởng của nhau. Đây là một điều rất khác so với thời kỳ trung cổ. Âm nhạc Hunggarie một cách khoa học. Ông ta đã thử tìm lại những bài dân ca đích thực và giàu có của đất nước ông. Nhưng chính Bartok lại là người đầu tiên đạt đến việc tái tạo lại gần như nguyên dạng kho báu quốc gia này.

Việc tìm hiểu âm nhạc dân gian của Bartok được bắt đầu khoảng từ năm 1900. Sau khi thu thanh và nghiên cứu từ 10 000 bài hát dân ca Hungary, Ukraina, Slovaque, Thổ nhĩ kỳ và cả ả rập (phía nam của Agerie), Bartok và bạn của mình là Kadayly đã xuất bản những tập sách đầu tiên về dân ca. Cũng chính nhờ việc nghiên cứu này mà ông đã có một hiểu biết rất sâu về âm nhạc dân gian (thậm chí hơn cả Enesco, người đã có những nghiên cứu cụ thể về loại âm nhạc này).

Phương pháp nghiên cứu của Bartok là tìm lại những đặc trưng tiêu biểu của âm nhạc dân gian bằng cách loại bỏ tất cả những gì hào nhoáng bên ngoài. Nhờ thế mà ông nhận ra rằng những bài dân ca Hungary khác nhiều so với những gì mà Liszt và Brahms đã làm trong các rhapsodie của họ. Bằng cách làm này Bartok đã chỉ ra được rằng nguồn gốc cổ nhất của dân ca hungary rất giống với phong cách dân ca của châu á.

Kết hợp từ những âm nhạc nhà thờ, âm nhạc cung đình của thời trung cổ và các bài hát ở thế kỷ XVI phong cách Tzigan đã ra đời. Phong cách này mượn các điệu thức cổ của âm nhạc Tây âu. Đến thế kỷ XVIII sự kết hợp giữa phong cách Tzigan với đỉnh cao của hợp xướng nhà thờ và một chút âm nhạc của quân đội chúng ta đã gặp phong cách Verbunkos (dùng cho một điệu nhẩy chậm có tên là lassu để rồi nối vào một điệu nhẩy nhanh có tên là friss). Phong cách này được coi là biểu tượng của âm nhạc dân gian Hungary. Trong các rhapsodie của Liszt phong cách này mang tính chất quý tộc với một cấu trúc tự do ngẫu hứng. Bartok không đồng ý với quan điểm này. Ông cho đó không phải đích thực là phong cách này.

Thế kỷ XIX Tzigan phát triển trong nhiều loại âm nhạc. Đối với một số nhạc công nghiệp dư họ đã phối hoà âm rất nghèo và nhờ đó người ta đã biết được phong cách đích thực của Verbunkos là gì. Bartok đã giới thiệu âm nhạc dân gian trong tác phẩm của mình một cách rất tự nhiên và chính dân tộc Rumaine phải cảm ơn ông vì nhờ ông mà thế giới mới biết đến âm nhạc dân gian của họ. Khoảng từ sau Chiến tranh thế giới I, Bartok bắt đầu sử dụng âm nhạc dân gian trong tác phẩm của mình. Có thể ông lấy nguyên dạng một giai điệu dân gian và chỉ đặt hoà âm mới cho nó và cũng có thể là làm ngược lại.

Từ những năm 1925, Bartok chỉ sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian trong tác phẩm của mình. Có thể ông chỉ sử dụng lại một tiết tấu, một cấu trúc giai điệu của hát hoặc của một nhạc cụ dân gian nào đó. Cũng có thể ông tổng hợp các loại âm nhạc dân gian từ nhiều tộc người khác nhau (chủ yếu là những tộc người sống ở vùng Danube) để tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc. Người ta gọi sự sáng tạo đó của ông là âm nhạc dân gian tưởng tượng. Sự tưởng tượng ở đây không chỉ thể hiện ở sự sáng tạo mà còn chứa đựng sự thẩm thấu trong cấu trúc, sự tăng cường của cảm xúc ở tác phẩm. Một ý tưởng không chỉ là tiêu biểu của âm nhạc dân gian mà còn là một nghệ thuật cổ điển tương ứng với cổ truyền của Đức. Như vậy Bartok đã sử dụng âm nhạc dân gian theo ba cách:

          – Sử dụng nguyên dạng.

          – Sử dụng một hoặc vài nhân tố.

          – Tạo ra một loại âm nhạc dân gian tưởng tượng nhờ phương pháp tổng hợp chất liệu âm nhạc dân gian của nhiều tộc người khác nhau.

Bartok đã sưu tầm, xuất bản âm nhạc dân gian của những người nông dân ở Hungary, Rumani và những nơi khác. Nhờ sử dụng âm nhạc dân gian mà Bartok đã mở ra khả năng khai thác tiết tấu và cấu trúc giai điệu.

Trong tác phẩm của ông đã sử dụng:

– Kỹ thuật sáng tác âm nhạc cổ điển của Tây âu như fugue, sonate, các loại hình thức của âm nhạc cổ điển và cách phát triển chủ đề.

– Các nhân tố âm nhạc Đông âu như điệu thức modal và những thang âm khác, luật nhịp không đều, hợp âm phụ, hợp âm bẩy, cách trang trí giai điệu.

Bartok là người có quan niệm về một giọng điệu trung tâm. Các câu nhạc, môtip có thể nhắc lại có biến đổi. Ông hay dùng nguyên tắc đối xứng. Có thể nói rằng ở mỗi tác phẩm của Bartok đều có một nét riêng biệt. Chúng có thể không cùng một phong cách nhưng điểm nổi trội của âm nhạc Bartok đó là sự đổi mới.

Những tác phẩm thời kỳ đầu của ông còn rất gần với phong cách romantique của Đức. Nó chịu nhiều ảnh hưởng của Brahms, Liszt và Wagner. Có nghĩa là âm nhạc vẫn còn gắn chặt với tonal. Tuy nhiên ngay từ những tác phẩm này người ta đã nhận ra cách sử dụng âm nhạc dân gian của ông khác các nhạc sĩ kia.

Dần dần trong các tác phẩm của ông hoà âm kiểu romantique đã mất đi và thay vào đó là kiểu hoà âm gợi đến những bài hát của dân gian. Phong cách âm nhạc này đã dần dần thẩm thấu vào ngôn ngữ âm nhạc của Bartok và trở thành ngôn ngữ của riêng ông. Nó thể hiện một quan điểm về thẩm mỹ của ông. Chính Bartok cũng đã từng nói rằng phong cách âm nhạc của tôi một phần chính là tính chất âm nhạc của Hungary.

Sau thời kỳ đầu sử dụng âm nhạc tonal, Bartok đã sử dụng âm nhạc polytonale và atonal. Cũng có thể sử dụng chồng các điệu thức trung cổ hay nối tiếp các hợp âm nghịch, chuyển giọng đột ngột và thường không định trước và hay chồng nhiều đối vị. Ông cũng có thể trộn trưởng thứ cùng nhau và hay dùng quãng năm trong hoà âm vì vậy không xác định được điệu tính. Giai điệu hay có chromatique mang tính chất trang trí nên rất khó xác định công năng hoà âm. Ông là người đã áp dụng tỉ lệ vàng vào âm nhạc. Dàn nhạc giống cổ điển nhưng hay dùng thêm các nhạc cụ không thông dụng.

VTMS

Contact Me on Zalo