Âm điệu riêng của mỗi dân tộc đã tạo nên sự đa dạng
Âm điệu (intonation) riêng của mỗi dân tộc đã tạo nên sự đa dạng trong một hệ thống chuẩn mực, tạo nên nhạc tính hấp dẫn cho âm nhạc Châu Âu, không chỉ trong âm nhạc cổ điển mà còn tiếp tục góp phần làm cho bức tranh âm nhạc ở Châu Âu trở nên đa dạng, phong phú. Điều này là cơ sở chủ đạo cho mọi trường phái, mọi khuynh hướng sáng tạo âm nhạc chuyên nghiệp, hàn lâm trên toàn thế giới.
Như vậy, trong truyền thống âm nhạc cổ điển phương Tây, hàng âm điều hoà được coi là cơ sở để định vị cao độ mỗi bậc âm trong hàng âm và mối quan hệ trên phương diện độ cao giữa các bậc âm với nhau khi chúng được đối chiếu với cao độ tuyệt đối (diapason). Cũng theo truyền thống âm nhạc cổ điển Châu Âu, với lối định nghĩa và phân tích của I.lesman, thì âm điệu còn phải được hiểu theo một ý nghĩa “động” – vận động, năng động – sống động và đầy đủ nhất của nó. Có nghĩa rằng, bên cạnh các tiêu chí học thuật kinh điển mà nền âm nhạc hàn lâm bác học Châu Âu đã đặt ra trên cơ sở nền tảng truyền thống thẩm mỹ của cả một cộng đồng rộng lớn đối với từng tác phẩm cụ thể, từng tác giả, phong cách cụ thể cũng như từ một truyền thống thẩm mỹ của những cộng đồng người cụ thể, đến từng dân tộc hay từng quốc gia,…thì cũng lại phải xuất phát từ chính những đặc điểm riêng biệt ấy. Trong đó, mỗi chủ thể sáng tạo lại phải tiếp tục tìm cách điều chỉnh trong kỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn, trong sự cảm nhận và rung cảm tinh tế của tâm hồn để sức truyền cảm của tác phẩm đến với bản thân mình cũng như đại đa số công chúng thưởng thức đạt hiệu quả tối ưu nhất.