Đàn violin gắn liền với nhạc hàn lâm

Violon là một nhạc cụ có lịch sử lâu đời và phổ cập ở nhiều quốc gia, có vị trí quan trọng trong nền âm nhạc hàn lâm trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực độc tấu và hòa tấu giao hưởng, thính phòng. Violon được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, cùng với nhiều nhạc cụ giao hưởng phương Tây khác và nhạc cụ này ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến trong đời sống âm nhạc xã hội nước ta. Ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 1956) Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã đưa Violon vào chương trình giảng dạy, đào tạo chính quy.
Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, cách đây mấy chục năm, chúng ta đã từng có một nền âm nhạc phát triển, đó là sự kết hợp của những loại hình âm nhạc như nhạc kịch, giao hưởng, hợp xướng cùng với khí chất, sắc thái riêng của âm nhạc dân tộc đã tạo nên bức tranh âm nhạc sinh động với những tác giả – tác phẩm tiêu biểu. Về nghệ thuật biểu diễn, chúng ta cũng đã có những nghệ sĩ tài danh như Tạ Bôn, Bích Ngọc, Ngô Văn Thành, Bùi Công Thành, Khắc Hoan, Đỗ Phượng Như, Bùi Công Duy (Violon); Bùi Gia Tường, Vũ Hướng (Cello); Thái Thị Liên, Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Trần Thu Hà, Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh (Piano); Nguyễn Phúc Linh (Fagot)… Đây có thể được xem là những dấu ấn tạo nên nền âm nhạc Việt Nam chuyên nghiệp ở đỉnh cao.

đàn violin

Xem  thêm:

Đào tạo violin tại Việt Thương
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự thiếu đầu tư cho các thể loại âm nhạc kinh điển – bác học từ khâu sáng tác đến biểu diễn nên đa số người dân không có nhu cầu thưởng thức loại hình nghệ thuật này, cũng như các nghệ sĩ không có điều kiện hay động lực để trình diễn các tác phẩm của các nhạc sĩ trong và ngoài nước. Do đó, việc nghiên cứu về âm nhạc chuyên nghiệp, cả trong sáng tác, giảng dạy, trình diễn là rất cần thiết để góp phần đưa loại hình âm nhạc này đến gần hơn với công chúng, đồng thời có cơ sở lí luận trong việc đào tạo nghệ sĩ ở trình độ cao.Ở Việt Nam, nghệ thuật Violon chuyên nghiệp được xây dựng và phát triển trên cả ba lĩnh vực: đào tạo, biểu diễn, sáng tác và đã có những đóng góp to lớn trong sự trưởng thành chung của nền âm nhạc hiện đại, trong đó có nền âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam. Trong quá trình phát triển của mình, nghệ thuật Violon Việt Nam đã giành được sự ghi nhận của bạn bè quốc tế và hứa hẹn những đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của nền âm nhạc tiến bộ của khu vực và trên thế giới. Về khía cạnh công tác đào tạo, trong quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật biểu diễn Violon, chúng ta đã có những thời kỳ nở rộ những tài năng Violon xuất sắc. Các nghệ sỹ Violon trẻ tham dự các kỳ thi âm nhạc quốc gia và quốc tế là những minh chứng về tài năng và khẳng định trình độ đào tạo Violon chuyên nghiệp của Việt Nam mà cái nôi là Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) với hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được trong sự nghiệp đào tạo các nghệ sỹ Violon chuyên nghiệp, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận là hầu như các nghệ sỹ Violon của Việt Nam khi biểu diễn hoặc tham dự các cuộc thi âm nhạc quốc tế, khu vực đều gặp vấn đề về âm chuẩn (cao độ) và tiết tấu (nhịp) hay nói cách khác là chưa đạt chuẩn. Điều này cũng nói lên những hạn chế nhất định trong công tác đào tạo các nghệ sỹ Violon nói riêng và âm nhạc thính phòng nói chung.

đàn violin
Âm chuẩn và tiết tấu luôn là một trong những khó khăn cơ bản cần khắc phục khi tiếp thu kỹ thuật Violon nói riêng và các nhạc cụ phương Tây nói chung. Cũng vì vậy, việc nghiên cứu âm chuẩn và tiết tấu càng cần được quan tâm đúng mức, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp. Trên cơ sở những quy ước khoa học, tính chính xác vật lý về âm chuẩn và tiết tấu, chúng tôi sẽ phân tích để làm rõ sự thay đổi của âm chuẩn và tiết tấu qua từng thời kỳ phát triển của nghệ thuật cổ điển Châu Âu để đáp ứng các tiêu chí thẩm mỹ trong sự vận động, biến đổi của dòng chảy nghệ thuật âm nhạc. Âm chuẩn cùng với tiết tấu không chỉ là những thành tố quan trọng hàng đầu tạo nên âm nhạc, mà âm chuẩn và tiết tấu còn thể hiện những tiêu chuẩn thẩm mỹ phản ánh các đặc điểm về ngôn ngữ, các truyền thống văn hoá và những đặc thù về tâm sinh lý của một dân tộc rất sinh động, rất cụ thể và cũng hết sức đa dạng.
Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, các nghệ sỹ Việt Nam đã tiếp thu được phần nào tinh hoa âm nhạc của Châu Âu và thế giới nhưng còn một bộ phận không nhỏ người học chưa thực sự đáp ứng được những đòi hỏi, những chuẩn mực chung của nghệ thuật âm nhạc Châu Âu. Hiện chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về âm chuẩn và tiết tấu trong đào tạo Violon ở Việt Nam, cũng như chưa có câu trả lời vì sao các nghệ sỹ Violon Việt Nam vẫn bị hạn chế về âm chuẩn và tiết tấu trong quá trình học tập và biểu diễn. Do đó, việc nghiên cứu về âm chuẩn (cao độ) và tiết tấu (nhịp) trong giảng dạy, học tập Violon là cần thiết nhằm tìm cho được những giải pháp để áp dụng vào công tác đào tạo Violon nói chung và đào tạo những nghệ sỹ Violon đỉnh cao nói riêng theo chuẩn mực quốc tế.

VTMS

Contact Me on Zalo