Những khó khăn trong lĩnh vực tác phẩm và biểu diễn của nghệ thuật guitar Việt Nam
Nhìn lại quá trình phát triển của đàn guitar ở Việt Nam, chúng ta thấy đó là một chặng đường gian nan, đầy thử thách. Nhạc cụ guitar đến với người dân Việt Nam một cách “tình cờ”, cây đàn được đón nhận, yêu thích.
Thủa ban đầu, phổ biến là đàn guitar dây sắt dùng để đệm hát và đàn Hawai. Với một người mới chỉ biết guitar Hawai sẽ bị thu hút bởi cây đàn guitar cổ điển khi trực tiếp nghe âm thanh của cây đàn này. Ngoài ra, tính năng nhạc cụ của đàn guitar hết sức phong phú. Với cấu tạo gồm 6 dây, tính năng tuyệt vời của đàn guitar về thể hiện hòa âm cũng như hình thức trình tấu đa dạng: độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ khác hay thanh nhạc, góp phần phát triển đời sống âm nhạc.
Trong quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật guitar Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Về biểu diễn, có những nghệ sĩ nổi tiếng như: Tạ Tấn, Hải Thoại, Huỳnh Hữu Đoan… và nhiều lớp nghệ sĩ, sinh viên guitar chuyên nghiệp sau này. Các chương trình biểu diễn cho guitar không nhiều nhưng cũng tạo được những dấu ấn trong lòng khán giả. Một số tác phẩm nổi tiếng được biết đến ở trong nước và nước ngoài như: bản Bèo dạt mây trôi, Xe chỉ luồn kim, Lới Lơ, Vũ khúc Tây Nguyên, Người ơi người ở đừng về, Bài ca hy vọng… Tuy nhiên, trong mọi lĩnh vực, dù là âm nhạc hay bất kỳ lĩnh vực nào, quá trình phát triển là con đường nghiên cứu không nghỉ, nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác, kế thừa và phát huy, bên cạnh những thành tựu, vẫn luôn có những mặt còn thiếu hoặc chưa mạnh.
Ngành guitar Việt Nam, thực trạng vẫn còn những vấn đề cần giải quyết:
– Hiện nay, trong bộ môn sáng tác của các trường âm nhạc chuyên nghiệp, phần nhiều các học sinh, sinh viên đều được yêu cầu học piano, việc sáng tác chủ yếu bằng đàn piano. Do vậy, những am hiểu về đàn guitar của một số nhạc sĩ còn hạn chế, đây cũng là một phần nguyên nhân tại sao số lượng các tác phẩm guitar Việt Nam chưa nhiều, có rất ít các tác phẩm hình thức lớn, mang tính chuyên nghiệp cao như: concerto, sonate…
– Phần nhiều các tác phẩm guitar Việt Nam đều được sáng tác, chuyển soạn bởi các nghệ sĩ guitar, nhưng các nghệ sĩ thường không có kiến thức chuyên sâu về sáng tác, nên chưa có nhiều tác phẩm được sáng tác, chuyển soạn theo những chuẩn mực của âm nhạc cổ điển Châu Âu.
– Trong thể hiện tác phẩm, vẫn còn những nghệ sĩ, hay học sinh, sinh viên guitar chuyên nghiệp diễn tấu tác phẩm guitar Việt Nam nhưng vốn kiến thức, sự am hiểu về âm nhạc Việt Nam chưa đủ. Một số người cho rằng, âm nhạc Việt Nam là của người Việt Nam, những giai điệu, lời ca, từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, theo năm tháng đã ngấm vào trong họ, điều này không phủ nhận. Tuy nhiên, âm nhạc chuyên nghiệp không chỉ dừng tại đó. Trong một bản nhạc, để thể hiện một nốt nhấn, hay một nét nhạc đặc sắc, đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài kiến thức về cuộc sống, phải nghiên cứu sâu không chỉ riêng tác phẩm, mà còn hiểu về nguồn gốc, chất liệu âm nhạc mà người sáng tác đã sử dụng để viết nên tác phẩm, đây là một điểm hạn chế khi thể hiện tác phẩm guitar Việt Nam.
– Trong thời đại mới, xã hội với sự phát triển bùng nổ về công nghệ thông tin, học sinh, sinh viên qua mạng internet tiếp cận với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, nhiều em chỉ quan tâm, yêu thích âm nhạc nước ngoài, nên các em sẽ gặp khó khăn khi thể hiện một tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Hiện nay, chưa có những chương trình nghiên cứu riêng, đưa ra những yếu tố cần thiết trong việc tập luyện cũng như thể hiện các tác phẩm guitar Việt Nam: xây dựng cảm xúc về hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, cách diễn tấu thang âm, điệu thức, hoà thanh, cách thể hiện tiết tấu, nhịp điệu trong các tác phẩm guitar Việt Nam… xây dựng phương pháp tập luyện khoa học, dần phát triển mạnh lĩnh vực thể hiện âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam của đàn guitar.